Hội nghị thu hút khoảng 250 đại biểu từ Bộ, ngành trong nước, quốc tế, đưa ra khuyến nghị giúp Việt Nam tận dụng cơ hội cuộc cách mạng 4.0.
Để tư vấn thiết kế, triển khai phương pháp sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngày 15/5, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) đồng tổ chức Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam". Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Tham dự hội nghị dự kiến có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam...; đại diện quốc tế như Đại sứ Australia tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đại diện các cơ quan thành viên của IDIA... đại diện bộ, ban, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, đại sứ quán, tổ chức quốc tế...
Tại đây, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, Data61 và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - UNDP sẽ đưa ra những tham luận chia sẻ về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự phát triển kinh tế xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hội nghị nằm trong tuần lễ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia diễn ra từ 13 - 17/5 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và IDIA đồng tổ chức.
Thông qua việc phân tích những kịch bản, cơ hội, thách thức với Việt Nam; những kinh nghiệm ứng phó của quốc tế, các chuyên gia sẽ đưa ra các khuyến nghị giúp Việt Nam giảm thiểu những thách thức và tận dụng cơ hội, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Theo tiến sĩ Lucy Cameron - tư vấn nghiên cứu cao cấp của Data61 thuộc Tổ chức khoa học quốc gia Australia, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á.
"Làn sóng tiếp theo của công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, Internet vạn vật, các dịch vụ dựa trên nền tảng và điện toán đám mây có tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành nền kinh tế phát triển tiếp theo của châu Á", tiến sĩ Cameron nhận định.
Bên cạnh đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đặt ra cho mỗi quốc gia những thách thức. Nếu không theo kịp và nắm bắt thành tựu của tri thức nhân loại để biến thành nguồn lực, quốc gia sẽ bị tụt hậu.
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách nhằm tăng cường hợp tác với các nước có nền khoa học, công nghệ phát triển trong việc tham vấn, xây dựng chính sách phát triển cho Việt Nam.